Tính đến nay, Điện lực Lạc Thủy quản lý và bán điện cho gần 37 nghìn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 2 huyện Lạc Thủy và Yên Thủy. Trong đó khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chiếm 88,57%, khách hàng ngoài sinh hoạt chiếm 11,43%. Để đa dạng hóa các phương thức thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Điện lực Lạc Thủy đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện việc thu hộ tiền điện với ngân hàng Nông nghiệp &PTNN (Agribank; ngân hàng Liên việt) trên địa bàn quản lý và 2 đơn vị trung gian Vietel và Bưu điện. Bên cạnh việc nộp tiền điện theo cách truyền thống, khách hàng có thể thanh toán tiền điện bằng nhiều hình thức có ưu thế vượt trội hơn như: Chuyển khoản; ủy nhiệm chi qua tài khoản tại ngân hàng; thanh toán qua thẻ ATM; ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử.

Hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng không tốn chi phí mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác. Điều này phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, nhất là cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp bận rộn và thường không có thời gian đóng tiền điện vào khung giờ hành chính.
Hàng tháng, sau khi nhận được tin nhắn của Điện lực thông báo số tiền phải thanh toán, khách hàng có thể dùng điện thoại để thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ Internet Banking của ngân hàng. “Sử dụng hình thức thanh toán này, khách hàng sử dụng điện không phải mất công và thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây mà lại không hề mất một chi phí dịch vụ nào”. Khách hàng không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện do thường xuyên vắng nhà khi quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Giờ đây, khách hàng có thể dễ dàng nộp tiền điện qua ứng dụng ViettelPay trên điện thoại di động. Nhiều khách hàng cho biết “Việc không sử dụng tiền mặt giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng do luôn nắm được thông báo của ngành điện về điện năng sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng trước khi thanh toán. Đồng thời không phải lo ngại tình trạng giả mạo nhân viên thu tiền, lừa gạt người sử dụng”.
Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt khẳng định: Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp ngành điện nâng cao năng suất lao động; tăng cường sự quản lý của nhà nước. Điện lực Lạc Thủy đã chủ động hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với các ngân hàng và tổ chức trung gian; phối hợp với các ngân hàng Agribank; Ngân hàng Liên Việt trên địa bàn hai huyện, tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đến khách hàng, đa dạng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện.
Mặc dù có những ưu thế rõ ràng nhưng việc triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 3/2022, toàn Điện lực chỉ có 18.828 khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, và qua các tổ chức trung gian đạt tỷ lệ 52,47%. Trở ngại lớn nhất là do thói quen dùng tiền mặt của người dân còn rất phổ biến, tâm lý không muốn thay đổi, không muốn sử dụng công nghệ mới. Địa chỉ giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian đều tập trung ở khu vực thị trấn và các khu vực trung tâm. Trong khi số lượng khách hàng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn không có điều kiện tiếp cận các hình thức thanh toán điện tử.
Trước thực tế này, Điện lực Lạc Thủy đã tổ chức triển khai, phối hợp với các đơn vị nhưng Ngân hàng No&PTNT, Ngân hàng Liên việt; Vietel; Bưu điện các giải pháp nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thống nhất các phương thức triển khai tư vấn, tuyên truyền để mở rộng khách hàng. Đồng thời tiến hành nhiều đợt quảng bá về các tiện ích thanh toán tiền điện qua ngân hàng và đơn vị trung gian dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Đài truyên thanh địa phương, thông báo trên email, mạng xã hội zalo, facebook, qua các dịch vụ tin nhắn SMS và vận động khách hàng trực tiếp khi đến giao dịch.
Với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, các tổ chức trung gian trên địa bàn hai huyện đang đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi, chăm sóc và tuyên truyền để thuyết phục khách hàng. Trong đó tập trung vào những đối tượng khách hàng có khả năng tiếp cận công nghệ, có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng và đơn vị trung gian trước, sau đó đến người dân ở các khu vực nông thôn.
Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là nhu cầu cần thiết, đáp ứng yêu cầu của xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện cũng như công tác quản lý. Do đó, ngành điện với các ngân hàng; các tổ chức thanh toán trung gian cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu phát triển khách hàng cụ thể, để giúp người dân trang bị kiến thức, hiểu biết để sử dụng dịch vụ.
Nguyễn Tiến Mạnh