Thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa theo đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Công ty Điện lực Hòa Bình ( PC Hòa Bình) đã hiện đại hóa 100% số trạm biến áp 110kV được vận hành từ xa theo mô hình trạm biến áp không người trực.

Công nhân giám sát các thao tác từ TTĐKX tại TBA 110kV Kỳ Sơn.
Trước kia công nhân vận hành trong ca trực tại trạm biến áp phải thường xuyên kiểm tra thiết bị, ghi chép báo cáo thông số vận hành. Trường hợp muốn tách thiết bị sửa chữa, nhân viên vận hành phải ra tận hiện trường để thực hiện thao tác. Nhưng sau khi các TBA được tích hợp công nghệ giám sát, điều khiển xa, việc lấy thông số đã được tự động hóa cung cấp dữ liệu về trung tâm vận hành. Hoạt động thao tác được thực hiện từ hệ thống máy tính đặt ở trung tâm điều độ. Toàn tỉnh hiện có 7 trạm biến áp 110kV, thời gian trước đây cần đến 11 lao động/ 1 trạm biến áp. Sau khi chuyển đổi sang mô hình trạm biến áp không người trực, số lao động giảm còn 5 lao động/ 1 trạm biến áp. Việc triển khai mô hình mới đã nâng cao khả năng tự động hóa, tạo sự linh hoạt trong vận hành đồng thời tiết kiệm được lao động.

Kiểm tra hoạt động của rơ le bảo vệ
Ông Đỗ Viết Tuyên- Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Hòa Bình cho biết PC Hòa Bình được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại để giám sát tình trạng các trạm biến áp không người trực, thuộc phạm vi quản lý của trung tâm. Hệ thống điều khiển được trang bị phần mềm SCADA chuyên dụng cho trạm biến áp. Có chức năng giám sát điều khiển hệ thống, có khả năng thay đổi linh hoạt cho việc vận hành hệ thống. Yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng vận hành trạm biến áp không người trực là phải đảm bảo cho thiết bị luôn ổn định trong quá trình vận hành lâu dài. Với hệ thống SCADA, việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, trung tâm điều khiển xa và các trạm biến áp 110kV không người trực vận hành đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý vận hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh của PC Hòa Bình như: giảm thời gian thao tác vận hành đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố lưới điện...

Kiểm tra tình trạng thiết bị khi giao nhận ca
Việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm biến áp không người trực có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá, tự động hoá theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Từ đó góp phần giảm chi phí, giảm thời gian và thao tác xử lý sự cố, nâng cao năng xuất và độ tin cậy, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trần Thị Hương- TTĐKX